Đã có rất nhiều bạn đặt câu hỏi là làm sao để biết được số lượng bát cách điện thủy tinh trên các đường dây 22kV, 35kV, 110kV, 220kV, 500kV? Số lượng bát cách điện lựa chọn dựa theo kinh nghiệm? Chúng ta phải nhớ các con số đó?
Để tính toán lựa chọn số lượng bát cách điện thủy tinh trên đường dây chúng ta phải dựa vào các yếu tố sau:
- Tiêu chuẩn đường rò lựa chọn d, lấy bằng 16mm/kV đối với môi trường bình thường, 20mm/kV đối với môi trường ô nhiễm nhẹ, 25mm/kV đối với môi trường ô nhiễm, 31mm/kV đối với môi trường ô nhiễm nặng hoặc gần biển tới 5km.
- Cấp điện áp danh định (Uđm, kV): 22kV, 35kV, 110kV, 220kV, 500kV
- Chiều dài đường rò của bát cách điện (D, mm): tra catalogue của nhà sản xuất cách điện thủy tinh, ví dụ: U70BS có chiều dài đường rò là 320mm, U160BS có chiều dài đường rò là 370mm, ... (đây là thông số của nhà sản xuất LVIV/Ukraine).
Số lượng bát cách điện thủy tinh được tính theo công thức sau: n=d*Umax/D
Sau khi tính được n thì qui tròn n thành số nguyên lớn hơn gần nhất.
Khi chọn số bát cách điện trong mỗi chuỗi còn phải tuân theo các yêu cầu sau đây:
a. Số bát (tất cả các loại cách điện) trong một chuỗi néo của ĐDK điện áp đến 110kV phải tăng thêm một bát so với chuỗi đỡ. Với ĐDK điện áp 220kV, số bát trong một chuỗi đỡ và néo lấy giống nhau. Riêng đối với đường dây 500kV tăng thêm một bát trên toàn tuyến.
b. Cột vượt cao trên 40m, số bát cách điện trong một chuỗi phải tăng so với số bát ở các cột khác của ĐDK đó.
· 1 bát khi đoạn vượt có đặt thiết bị chống sét.
· 1 bát khi cột có mắc dây chống sét cho mỗi đoạn cột 10m tăng cao thêm, kể từ chiều cao 40m trở lên.
c. ĐDK điện áp đến 110kV đi qua khu vực có độ cao trên 1000 tới 2500m so với mực nước biển, cũng như ĐDK điện áp 220kV đi qua khu vực có độ cao trên 1000 tới 2000m so với mực nước biển, phải tăng thêm 1 bát trong một chuỗi cách điện so với mục “a” và “b”.
ĐDK đi qua những vùng ô nhiễm nặng (gần các xí nghiệp công nghiệp, bờ biển v.v.) phải tùy theo điều kiện cụ thể mà chọn số lượng và loại cách điện cho phù hợp.
Ví dụ: Tính toán số lượng bát cách điện thủy tinh U70BS cho đường dây 22kV, đối với vùng khí hậu bình thường
d= 16mm/kV
Uđm = 22kV
Với cách điện thủy tinh U70BS, chiều dài đường rò D = 320mm
Vậy, áp dụng công thức trên ta có: n=16*22*1.1/320=1.21~2 bát
Trên thực tế lưới điện 22kV ở Việt Nam cũng sử dụng 2 bát cách điện cho chuỗi đỡ và 3 bát cách điện cho chuỗi néo.
Còn đối với các loại cách điện khác như cách điện polymer thì sao?
Đối với cách điện polymer, thì chỉ cần một chuỗi cho thay thế cho các bát cách điện thủy tinh. Cách điện polymer có được chế tạo theo cấp điện áp tương ứng với điện áp của đường dây.
Vấn đề khác đặt ra là lựa chọn cách điện loại nào U70BS, U120B, U160BS, U210B, ...?
Tải trọng phá hủy của cách điện phụ thuộc vào: tải trọng của dây dẫn, tải trọng gió, lực kéo của dây dẫn, ... Đối với chuỗi đỡ, thông thường chỉ chịu tải trọng của dây dẫn theo phương thẳng đứng và tải trọng của gió, tổng tải trọng này nhỏ nên thông thường chuỗi đỡ ta chọn cách điện có tải trọng 70kN (U70BS hoặc U70BL). Còn đối với chuỗi néo, ngoài tải trọng của dây theo phương thẳng đứng và tải trọng gió, cách điện néo còn phải chịu lực kéo của dây dẫn, trị số này thường rất lớn (62kN đối với dây ACSR-185/29; 75kN đối với dây ACSR-240/2; 121kN đối với dây ACSR-400/51, ...) nên thông thường đối với chuỗi néo cho dây ACSR-185/29 trở lên, tải trọng tối thiểu của cách điện là 120kN (U120B)